Bấy nay, thiên hạ vẫn mường tượng văn chương là
một cái nghiệp xuất chúng, và nhà văn là những con người ở ngưỡng phi thường.
Người ta vẫn hình dung nhà văn với những mái đầu bù rối, cặp mắt ráo hoảnh vì
những đêm dài dâng hiến cho thi văn, là dung nhan luộm thuộm vì để tâm sức quá
nhiều vào viết lách.. Những hình dung định tính như thế khi vận vào Frédéric
Beigbeder lại trở thành vô nghĩa hơn bao giờ hết.
Bookanista của văn chương Pháp.
Làng thời trang thường sử dụng thuật ngữ
fashionista để chỉ những người bình thường có gu ăn mặc chất, lạ, không chung đụng
với bất kỳ một tư duy thời trang nào khác. Với những khái niệm đặc thù đó, có
thể xem Beigbeder là một bookanista phóng đãng, sành điệu và thời thượng, một
người mẫu mà sàn catwalk là địa hạt văn chương, môt nhà quý tộc mà điền địa,
nông trang, tài sản chính là chữ nghĩa.
Tính thời thượng trong lối viết này phần nào đến
từ gốc gác quý tộc của ông. Trên văn đàn đương đại, có lẽ Beigbeder là một
trong những nhà văn sành điệu bậc nhất. Ông bẻ cong những khái niệm thông thường
về nhà văn. Tướng mạo cao ráo phong lưu, mái tóc suông dài bồng bềnh rất trữ
tình lãng tử, phục trang đơn giản mà đẳng cấp, lối giao tiếp tự tin không nể
nang, tham dự những bữa tiệc thuộc hàng xa xỉ.. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài,
chưa phải là mẫu số chung để có thể rút ra được một cái nhìn tổng quát nhất về
ông- một trong những tay “lõi” cự phách của văn chương Pháp.
Không ít lần độc giả cảm thấy ngộp thở trước lối
hành văn bỡn đùa điệu nghệ đến độ trần trụi của tay chơi trí thức này. Ông đặc
tả những cuộc chơi xa hoa trên du thuyền, những bữa tiệc toàn những gương mặt cộm
cáng của giới nghệ thuật, những thú vui hoang đàng đầy tính nghệ sỹ.. với thái
độ dửng dưng lãnh cảm, hồ như đời sống xa xỉ đó đã không còn gì mới mẻ với ông.
Gạt bỏ những lề thói thường có ở một nhà văn, ông hoạt ngôn và có đời sống xã hội
quản giao, không nép mình nương náu ở một xó xỉnh nào để tịnh tâm mà viết. Đọc
văn ông, có cảm giác như ông có thể phóng bút ngay tại bàn tiệc, ngay trên giường,
trong khi làm tình, thậm chí ngay cả khi giao thiệp tán tỉnh một cô nàng nào đó
ông cũng có thể vừa đong đưa vừa sáng tác.
Nhưng thời thượng về hình thức không có nghĩa
nông cạn ở nội dung. Đời sống cá nhân và bề mặt chữ nghĩa chưa phải là điều kiện
đủ để đánh giá một sự nghiệp văn chương. Trong Môt Tiểu Thuyết Pháp, ông bộc lộ cái nhìn lắng đọng, đau đáu về quá
khứ. Ông tin rằng mình thuộc thế hệ lãng quên (amnesiac generation)- những đứa
trẻ sinh ra hậu chiến tranh, thụ hưởng và trưởng thành trong ấm êm và không hề
có một manh mối nào về quá khứ. Người ta sống không thể không có quá khứ. Với
tiểu thuyết này, ông lội ngược dòng tìm về bản ngã của những người thân và của
chính mình. 20 năm đầu đời ngồi trước màn hình tivi, quá khứ chiến tranh chỉ là
những khái niệm xa vời được thuật lại từ ánh sáng điện tử ấy. Thế Chiến Thứ Hai
đã qua từ lâu, nhưng kẻ hậu sinh là ông vẫn khao khát tìm tòi và thấu hiểu cuộc
sống của cha mẹ mình trong thời khắc ấy.
Rõ ràng, ông không hề nông cạn với lối hành văn
trơn tuột ,dề dà thường thấy. Ẩn trong cái hào nhoáng, thời thượng còn là một nỗi
nhức nhối hướng thiện, cái thiện của một người có trách nhiệm với một thời quá
vãng.
Frederic Beigbeder- thỏi kẹo mang hình viên đạn.
Nhắc đến Beigbeder lại không thể không nhắc đến
phụ nữ. Văn ông tràn ngập đường cong đàn bà. Giống cái hiển hiện trên trang viết
của ông rất mực hiện sinh, đôi khi trần truồng tan hoác đến độ khó chịu. Những
cô gái đôi mươi người Nga dưới con mắt của Beigbeder xinh đẹp, quyến rũ nhưng
thực dụng, sẵn sàng lên giường với bất cứ người đàn ông nào hòng tìm hướng tiến
thân. Không ngoa khi nói rằng Beigbeder là cái gai trong mắt chị em nữ quyền,
khi phụ nữ dưới nhãn quan của gã có phần dễ dãi và thiếu độc lập. Nhưng gượm
đã, nhìn trên diện rộng, gã báng bổ mọi thứ, từ chế độ chính trị nước nhà đến đời
sống nghệ sỹ nhiều khuất tất, ngay đến cả tôn giáo ngòi bút của ông cũng không
hề nể nang thì việc ông diễn tả những vùng đất nhiều gái đẹp là cái “kho vựa phụ
nữ” dễ bề lựa chọn cũng không lấy gì làm lạ.
Thứ tôn giáo duy nhất ông thờ phụng lại chính
là phụ nữ. Ông có thể phóng bút cay nghiệt dày vò cánh nữ, ông có thể miêu tả
trần trụi những tính cách nông cạn hời hợt đầy tính nữ, nhưng bên trên tất cả,
ông tôn thờ họ. Tính nghiệt ngã trong giọng văn ông có lẽ đến từ sự đa năng
trong nghề nghiệp. Không những là nhà văn, ông còn là nhà báo, người dẫn chương
trình thời luận cho nhiều báo đài, nhà phê bình văn học, DJ, người mẫu.. Dấn
thân vào nhiều lĩnh vực, đứng ở nhiều vị trí nên ông có cái nhìn đa chiều và
khách quan về phụ nữ. Ông thượng tôn phụ nữ không bằng cách tô hồng nịnh nọt họ.
Sự giảo hoạt khi miêu tả phụ nữ không có nghĩa
ông không tôn trọng họ và làm suy suyển hồn tính của văn chương. Những trang viết
của ông vẫn đậm đặc cái trữ tình lãng mạn
của một tâm hồn Pháp, đôi khi hé lộ trạng thái yếu mềm của một trái tim cô đơn
giữa trời đông giá, thèm muốn một cơ thể phụ nữ để ôm ấp và sưởi ấm tấm thân đã
ít nhiều mỏi mệt. Cái thói ưa châm chọc và bỉ bôi của ông là bức bình phong che
chắn cho cái mong manh, dễ đổ vỡ bên trong. Cái thái độ ngạo nghễ, kiêu bạc là
mặt nạ dấu đi những hờn mác, hoang mang mà đời sống đem gieo rắc trên gương mặt
gã. Sự hài hước không cất dấu nổi tinh thần buồn thảm. Tâm lý này được thể hiện
khá rõ qua tiểu thuyết Kẻ Ích Kỷ Lãng Mạn
ra mắt năm 2013. Tay chơi này đã nếm đủ những cám cảnh của đời sống vật chất:
tiệc tùng, rượu chè, chất kích thích.. Ở tuổi 48, ông từng chia sẻ mình giống
như đứa con lạc loài vừa được phóng thích khỏi xiềng xích của ma túy.
Phóng khoáng, hài hước, phớt đời, ngạo mạn, “tự
ăn mình” là những tính từ tổng hợp cho văn chương Beigbeder. Mặc dù nấp sau cái
danh tiểu thuyết hư cấu, người ta vẫn thấy thấp thoáng cái tôi của chính tác giả
trong đó. Ngay cả bản thân ông cũng từng thú nhận, ông chọn văn chương để nói
lên sự thật, và chỉ có sự thật mà thôi, sự thật về đời sống, sự thật của những
cá thể xung quanh, và sự thật của chính ông. Không “tin ở hoa hồng”, ông lật
trái bề mặt của đời sống để thấu thị vào đó một cách chân thực nhất. Những bề
trái ấy khiến người ta hoang mang, trăn trở, băn khoăn và thiếu tin tưởng nhưng
cũng khiến người ta tỉnh táo hơn. Văn ông như viên đạn bắn thẳng vào ao nước đọng,
khuấy lên những tầng rêu xanh bùn lầy nhất của đời sống con người, nhưng ẩn chứa
trong viên đạn đó là thái độ ngọt ngào của một tay chơi nhiều tự sự, cả nghĩ và
hay ngờ hoặc. Tính nghi hoặc ấy phôi thai từ sự bấp bênh của đời sống thượng
lưu với những giá trị không bền vững. Phụ nữ ngày một thực dụng, bạn bè thì nhiều
nhưng bạn hữu thì không có, những mối quan hệ quản giao lạt lẽo nhanh đến nhưng
cũng chóng đi. Không có cớ gì để Beigbeder không dấy lên sự nghi ngờ về mọi giá
trị trong cuộc sống này.
Chung cuộc, Frédéric Beigbeder là một nhà văn
tài năng đáng trọng. Trên hết, với vị thế của một social skeptic (người nhiều
hoài nghi với các vấn đề xã hội), ông đóng góp vào đời sống văn chương nói
riêng và đời sống xã hội nói chung cái nhìn vạn hoa đa chiều với rất nhiều trăn
trở.
No comments:
Post a Comment